Rối Tế Tiêu

Hà nội 13/12/2018 10:18

Chia sẻ:

Nghệ thuật múa rối ở Tế Tiêu có bề dày hơn 400 năm, nhưng trải qua biết bao thăng trầm của chiến tranh, phường rối có lúc bị tan rã, phải đến năm 1965 mới được thành lập lại. Đứng trước thực trạng ngày càng đi xuống của phường rối, cụ Phạm Văn Bể - người luôn tâm huyết với nghề rối đã quyết tâm phục dựng lại phường rối cạn. Quyết không để môn nghệ thuật mà mình say mê cả đời bị thất truyền, cụ Bể đã thuyết phục con cháu trong họ hàng, trong làng học rối và chơi rối để phục vụ bà con.

 

Năm 1990, cụ Phạm Văn Bể và các nghệ nhân trong làng đã vực dậy được phường rối Tế Tiêu. Phường rối hồi sinh trong sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, sự khích lệ động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi của chính quyền. Sau nhiều năm gián đoạn, món ăn tinh thần mà bà con trong làng mong chờ đã được đáp ứng. Cụ Bể đã tập hợp những người có cùng tâm huyết, góp công, góp của hăng hái chế tác con rối, tập luyện các tích trò cổ cũng như tích trò mang tính tuyên truyền giáo dục. Phường rối ngày một lớn mạnh, được mời tham dự các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Mỗi dịp vào hội hay lễ Tết, phường rối lại kéo xe ba gác mang rối đi biểu diễn phục vụ bà con trong làng và các huyện, tỉnh lân cận.

 

Khác với nhiều phường rối ở vùng đồng bằng sông Hồng, dù có thể biểu diễn cả rối nước song Tế Tiêu nổi tiếng hơn cả với các trò rối cạn. Xem các con rối chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng tưởng đơn giản nhưng thực tế để điều khiển được chúng không hề dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có độ tinh tế rất cao từ khâu tạo hình các nhân vật rối; cho đến sự phối hợp “ăn ý” với bạn diễn trong từng tích trò, bởi khán giả rất dễ dàng “bắt lỗi” khi rối được biểu diễn không phải dưới nước. Dù là rối dây, rối que hay thậm chí rối sào thì khi sáng tạo cũng phải đặc biệt chú ý tới việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt và các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt dưới bàn tay điều khiển của người nghệ sĩ. Các con rối thường làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, được ngâm kỹ dưới nước nên không bị mối mọt, dễ đục đẽo, gọt tỉa trong quá trình tạo hình.

 

Năm 2001, được Cục Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin ủng hộ, ông Bể đã quyết định phục hồi nghệ thuật rối nước. Ông xây một thủy đình trong nhà để phục vụ biểu diễn. Người đến xem rối nước của ông ngày một đông. Nhiều đoàn khách nước ngoài cũng lặn lội tìm đến Tế Tiêu để xem ông biểu diễn và mua những con rối về làm kỷ niệm. Rối Tế Tiêu vượt làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kỳ Festival Huế… Càng đi diễn cụ Bể càng nhận thấy một điều thật kỳ diệu: Không chỉ người làng mê rối mà người thành phố, khách quốc tế cũng mê rối. Vậy là rối tồn tại với tất cả hồn cốt truyền đời của nó.

 

Không chỉ giữ hồn cho phường rối Tế Tiêu, ông Bể còn là người “truyền lửa” cho những người dân đam mê với môn nghệ thuật này. Hiện nay, với tuổi 86 ông đã có 53 năm gắn bó với nghề rối, "gia tài múa rối" của người nghệ sĩ nông dân này là gần 100 trò diễn cho cả rối cạn và rối nước với hàng nghìn chú rối đủ các kích cỡ được ông tạo nên và gìn giữ như những báu vật.

 

Rối Tế Tiêu đã hồi sinh, phát triển, đang trở thành một “thương hiệu” lớn mang hồn dân tộc, hồn thời đại.

 

Thế Hoàng

Tạp chí DLVN

bài viết cùng chuyên mục