“Kích hoạt” sự năng động của du lịch văn hóa Hà Nội
Theo Sở Du lịch, với những giá trị nổi trội, cơ bản về tài nguyên du lịch văn hóa cùng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và chất lượng nguồn nhân lực tương đối đảm bảo, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại...
Đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa
Những ngày này đang diễn ra Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội). Lễ hội giới thiệu nhiều sản phẩm từ sen, các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của cây sen trong phát triển kinh tế và đời sống tinh thần của con người.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Lễ hội Sen Hà Nội nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa Hà Nội, trong đó nêu bật giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cùng những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
TP Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững.
Ngày 13/7, Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Tây Hồ đã tổ chức chương trình khảo sát và hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các DN lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024”. Theo đó, các đại biểu đã khảo sát một số điểm đến du lịch tiêu biểu trên địa bàn quận Tây Hồ: đền Đồng Cổ, chùa Kim Liên, thung lũng hoa Hồ Tây, khu du lịch Nhật Tân, nghe giới thiệu và trải nghiệm hoạt động ướp trà sen, thưởng thức trà sen Tây Hồ.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-SDL ngày 18/6/2024 về việc tổ chức chương trình khảo sát, kết nối các điểm đến du lịch của quận, huyện, thị xã với các DN lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024.
Cũng theo ông Trần Trung Hiếu, Tây Hồ là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Khu vực xung quanh Hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống, với đậm đặc các công trình di tích lịch sử có giá trị, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây được TP quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị của Hồ Tây, tạo cho Tây Hồ trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin: khu vực Hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn; phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ. Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển da dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống.
Được biết, Sở Du lịch cùng với UBND quận Tây Hồ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính độc đáo, sáng tạo gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của quận Tây Hồ, qua đó góp phần tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung định hướng phát triển khu vực Hồ Tây và phụ cận thành trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật, khu thể thao dưới nước, sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng riêng theo hướng bảo tồn và phát huy giá trị không gian cảnh quan mặt nước, sinh thái tự nhiên, di sản văn hóa; khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật truyền thống, là khu du lịch có chất lượng cao, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Đây là một mô hình, hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có thể gọi là điểm nhấn tạo động lực cho các quận huyện khác của Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực của Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với quận Tây Hồ và một số đơn vị lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội gắn với sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP và văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc có quy mô, ấn tượng và lan tỏa những giá trị thiết thực.
Theo Bộ trưởng, TP Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các các sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hấp dẫn. Lễ hội Sen Hà Nội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen, tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần của hoa sen trong đời sống người Việt, mà còn là cơ hội để tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển đa giá trị từ cây sen.