Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 28 nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược phát triển du lịch bền vững

20/01/2025 15:05
Chia sẻ qua:
Sáng ngày 19/01, tại khách sạn Double Tree thuộc TP. Johor Bahru – Malaysia, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 28 với chủ đề “Thống nhất trong chuyển động định hình Du lịch ASEAN trong tương lai”.

Cùng dự có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, các lãnh đạo, cán bộ các đơn vị chức năng thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 28. Ảnh: TITC

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Dato’ Sri Tiong King Sing bày tỏ vinh dự chào đón các lãnh đạo, đại biểu tại hội nghị và chủ đề hội nghị “Thống nhất trong chuyển động định hình Du lịch ASEAN trong tương lai” đã khẳng định cam kết thúc đẩy du lịch khu vực thông qua hợp tác, đổi mới và thống nhất.

Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Dato’ Sri Tiong King Sing phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Ông Dato’ Sri Tiong King Sing khẳng định, du lịch là trụ cột trong sự phát triển năng động về kinh tế và văn hóa của ASEAN. Để góp phần định hình tương lai của ASEAN, ông Dato’ Sri Tiong King Sing đề xuất ưu tiên củng cố thương hiệu ASEAN, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và xây dựng khả năng phục hồi trong du lịch. Đồng thời, phát triển thương hiệu ASEAN tích hợp để định vị khu vực là điểm đến hàng đầu toàn cầu. Tập trung phát triển bản sắc du lịch ASEAN với thế mạnh về di sản văn hóa và thiên nhiên; triển khai các chiến dịch tiếp thị chung để thu hút du khách quốc tế; thúc đẩy các gói du lịch xuyên biên giới mang đến trải nghiệm liền mạch qua nhiều điểm đến. Từ đó, tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN trên trường quốc tế. Trên cơ sở đó, ông Dato’ Sri Tiong King Sing đề nghị các quốc gia ban hành các chính sách phát triển du lịch xuyên biên giới hài hòa, xây dựng các nền tảng du lịch tích hợp; khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng du lịch chung để tăng cường kết nối trong khu vực; tạo điều kiện trao đổi thông tin về các điển hình thành công trong phát triển du lịch bền vững và sáng tạo. Đặc biệt, ưu tiên tích hợp quản lý rủi ro vào các chiến lược du lịch để dự đoán và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn. Thiết lập hệ thống ứng phó khẩn cấp và các giao thức an toàn mạnh mẽ tại mọi điểm đến để đảm bảo lợi ích cho khách du lịch. Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch để thích ứng với sở thích và kỳ vọng đang thay đổi của khách du lịch. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu để thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng bền vững trên toàn khu vực. “Bằng cách xây dựng khả năng phục hồi, chúng ta có thể vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội mới, đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho du lịch ASEAN” - ông Dato’ Sri Tiong King Sing nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng, kết quả du lịch năm 2024 của khu vực đang có nhiều khởi sắc, nhờ sự phục hồi tích cực từ thị trường trọng điểm Đông Bắc Á cũng như các nước nội khối. “Tôi đánh giá cao nỗ lực và cam kết của các nước thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác du lịch, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang phục hồi nhanh, mang đến nhiều sức ép cạnh tranh hơn cho khu vực của chúng ta” - Thứ trưởng bày tỏ.

Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, năm 2024 Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 40% so với năm 2023; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu du lịch đạt 34,5 tỷ đô-la Mỹ. Thị trường nội khối ASEAN là một trong những động lực thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam khi đóng góp hơn 2,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2019. Đặc biệt, số khách từ các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines đã đạt tăng trưởng cao hai chữ số so với năm 2023.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, thông qua sự điều phối hiệu quả của Ban Thư ký ASEAN, hợp tác du lịch ASEAN đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, triển khai hiệu quả nhiều dự án, sáng kiến thuộc Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025. Các hoạt động quảng bá được đa dạng hóa và đổi mới, cùng với những nỗ lực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, góp phần không nhỏ vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch khu vực. Trong giai đoạn tới, trọng tâm là kết thúc thành công Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025; đồng thời cần khẩn trương xây dựng Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn sau 2025.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, chiến lược mới cần phản ánh bối cảnh và nhu cầu mới của khu vực, phù hợp với xu hướng toàn cầu như chuyển đổi số, phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi trước các khủng hoảng. Để đảm bảo tính khả thi của Chiến lược mới, cần phối hợp chặt chẽ và tham vấn đa chiều với các tổ chức quốc tế đối tác như UN Tourism, WTTC, PATA và các tổ chức khác trong ASEAN, nhằm thu thập các ý kiến khách quan và định hướng phát triển bền vững cho khu vực.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất một số giải pháp trọng tâm gồm có: (1) Tăng cường kết nối điểm đến ASEAN thông qua phát triển sản phẩm, gói du lịch liên tuyến giữa các quốc gia thành viên; đẩy mạnh hợp tác với ngành giao thông để đẩy mạnh kết nối đường hàng không, đường biển và đường bộ, đảm bảo đi lại thông suốt và thuận tiện. (2) Khai thác hiệu quả hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức đối tác để tận dụng nguồn lực, chuyên môn và công nghệ cho các sáng kiến du lịch của khu vực và công tác xây dựng Chiến lược giai đoạn mới. (3) Đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến quảng bá và tăng cường sức cạnh tranh của điểm đến chung ASEAN, đăng cai các sự kiện du lịch quốc tế quy mô lớn, huy động sự tham gia của nhiều nước thành viên. (4) Tăng cường các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực, thu hút người lao động trở lại ngành du lịch, đẩy nhanh tiến độ để “Ban Thư ký khu vực triển khai MRA-TP” đi vào hoạt động chính thức.Hội nghị diễn ra với chủ đề “Thống nhất trong chuyển động định hình Du lịch ASEAN trong tương lai”. Ảnh: TITC

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Ban Thư ký ASEAN báo cáo về công tác chuẩn bị Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2025 và Kế hoạch Ngành Du lịch ASEAN giai đoạn 2026-2030. Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 28 đã nghe báo cáo về công tác tổ chức ATF 2025; nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 61. Hội nghị đồng thời xem xét về chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 với 03 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Nga.

Ngoài ra, hội nghị cũng tham vấn hợp tác với các tổ chức quốc tế: Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism), Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch ASEAN (ATRA).

Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị. Ảnh TITC

Ban Thư ký ASEAN thông báo kết quả liên quan đến du lịch tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 tổ chức ngày 09/10/2024 tại Lào. Malaysia - Chủ tịch Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN trình bày tiến độ triển khai hoạt động du lịch ASEAN kể từ Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần trước. Hội nghị đã xem xét và nhất trí với báo cáo tiến độ của Chủ tịch Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN; đồng thời đưa ra định hướng về ưu tiên của du lịch năm 2025.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng nghiên cứu đề xuất thành lập cơ chế hợp tác du lịch ASEAN-Úc; trao đổi và thống nhất bầu Philippines và Singapore với vai trò Chủ tịch và Phó Chủ tịch, thông báo thời gian và địa điểm của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 29 vào tháng 01/2026 tại Philippines.

Trung tâm Thông tin du lịch