Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030
(Hanoitourist) - Chiều ngày 16/4/2016, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, Hà Nội), Hội thảo xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được tổ chức nhằm giới thiệu dự thảo chiến lược và lấy ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch các tỉnh, cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, và các chuyên gia trong ngành.
Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đươc xây dựng nhằm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam bền vững, có tính cạnh tranh cao với 4 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị và mục tiêu đến năm 2030 phát triển đồng bộ, các dòng sản phẩm trên sẽ được ghi nhận trên thị trường khu vực và quốc tế.
Đại diện Vietnam Airlines đã trình bày về sự hợp tác giữa hàng không và du lịch, đưa ra thống kê Việt Nam có 48 hãng hàng không khai thác trên tổng số 81 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam; có 4 hãng hàng không khai thác tổng số 52 đường bay nội địa Việt Nam. Vietnam Airlines hiện kết nối 17 quốc gia với Việt Nam với 56 đường bay và 29 điểm đến; mạng đường bay nội địa của Vietnam Airlines gồm 43 đường bay. Trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, Vietnam Airlines đã và đang phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trọng điểm và cùng phát triển các sản phẩm du lịch.
Đại diện Công ty Mekong Rustic đề xuất vai trò của doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch bền vững: Doanh nghiệp du lịch cần tập trung xây dựng chính sách và sản phẩm du lịch có trách nhiệm và các sáng kiến phát triển du lịch có trách nhiệm; Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; Tạo ra giá trị của sản phẩm du lịch kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững; Tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu về du lịch trách nhiệm cho người dân địa phương; Hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm thông qua bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; văn hóa địa phương.
Các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có ý kiến cho rằng cần đặc biệt chú ý đến văn hóa ẩm thực, nên coi ẩm thực là một điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của Việt Nam bởi sự đa dạng và đặc sắc; và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo: “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề cập tới vấn đề phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền, giúp địa phương hoạch định sản phẩm phù hợp. Đồng thời, chiến lược này cũng giúp doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm trong kế hoạch của từng doanh nghiệp. Đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho dự thảo, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch tổng hợp, chọn lọc tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện, xây dựng chiến lược tối ưu được tiềm năng thế mạnh, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường./.