RƯỢU HÀN QUỐC
Lưu truyền lịch sử qua văn hóa dân gian
Câu chuyện đầu tiên bàn đến rượu được ghi lại trong Tam Quốc Di Sự, bộ sách nổi tiếng với câu chuyện về Quốc Vương Jumong lập ra vương quốc Goruyeo. Theo thần thoại, Haemosu – con trai của Thiên đế - đã chuốc say Yuhwa – con gái cả của Thủy Thần Habaek – và cùng ân ái rồi sinh ra Jumong. Tuy chỉ là thần thoại nhưng có thể thấy lịch sử về rượu ở Hàn Quốc đã có từ rất lâu đời.
Đồ uống Hàn Quốc khác biệt theo phương pháp chế biến
Rượu Hàn Quốc được làm từ ngũ cốc như gạo, lúa mì và lúa mạch, và có thể được chia thành bốn loại. “Makgeolli” có nghĩa là mới chắt, đây là một thức uống có màu đục. Loại rượu chắt đến độ trong suốt thì được gọi là “Yakju” hoặc “Cheongju”, trong đó điểm khác biệt lớn nhất giữa Yakju và Cheongju là lượng men làm chất gây men.
Nếu hàm lượng men ít hơn 1% và sử dụng nguyên liệu từ gạo thì thành phẩm là Cheongju, còn nếu sử dụng men truyền thống thì sẽ cho ra Yakju. Nói một cách đơn giản, loại rượu có màu trong suốt với các thành phần thảo mộc không phải là ngũ cốc được gọi là Yakju và rượu có màu trong suốt chỉ làm từ ngũ cốc được gọi là Cheongju.
(Rượu Yakju)
(Rượu Cheongju)
Cuối cùng là “Soju”, một loại rượu có được nhờ chưng cất Makgeolli, Yakju và Cheongju. Rượu Soju này khác với loại rượu Soju được đóng trong chai màu xanh lá cây mà bạn có thể mua ở siêu thị.
(Rượu Soju)
Thức ăn đi kèm với đồ uống Hàn Quốc
“Mariage” trong tiếng Pháp là hôn nhân, cũng được sử dụng để mô tả sự kết hợp hài hòa giữa thức ăn và đồ uống. Điều này cũng đúng khi nói đến ẩm thực Hàn Quốc. Tất nhiên sở thích ăn uống cá nhân của bạn có thể thay đổi, nhưng vẫn có một số cách kết hợp cơ bản để tăng hương vị của đồ uống và thức ăn. Những kết hợp khác nhau có thể được thực hiện tùy theo việc bạn thích mùi vị nào hơn. Ví dụ, nếu bạn thiên về hương vị và mùi thơm của đồ uống, hãy chọn thức ăn nhẹ, không có mùi nồng; hoặc nếu bạn muốn đồ uống hợp vị với thức ăn, hãy chọn loại đồ uống theo đặc tính của thức ăn. Các món ăn cay như kimchi om hay hải sản hầm rất hợp với đồ uống ngọt có nồng độ cồn thấp. Đối với những thức ăn nhiều dầu mỡ như thịt lợn xối mỡ thái miếng, hãy chọn đồ uống có nồng độ cồn cao hoặc những loại có tính axit để làm sạch khoang miệng. Với các món tráng miệng của Hàn Quốc, đồ uống ngọt là sự lựa chọn hợp lí hơn đồ uống nhẹ. Điều này là do uống rượu nhẹ sau khi ăn đồ ngọt có thể khiến bạn bị đắng miệng. Đối với thực phẩm có tính axit mạnh như salad lạnh chua ngọt, hãy kết hợp nó với đồ uống có tính axit để tăng hương vị.
Nghi thức uống rượu
Để uống rượu đúng cách, trước hết bạn nên tìm hiểu về văn hóa. Ở Hàn Quốc, nghi thức uống rượu được đặc biệt coi trọng từ thời cổ đại. Một ví dụ điển hình về nghi thức liên quan đến rượu được lưu truyền từ Hàn Quốc là Nghi Thức Uống Rượu – Hyang-eum-ju-rye. Trong vương triều Joseon, các học giả và các nhà nho giáo tề tựu ở một trường Nho giáo để cùng đàm đạo và thưởng rượu. Trong Nghi Thức Uống Rượu, người đứng đầu vương triều làm chủ lễ, mời những người có học thức, phẩm hạnh cao đến dự. Các nghi thức rót và uống rượu được ghi chép trong một cuốn sách nói về Nghi Thức Uống Rượu. Hàn Quốc được mô tả là một nền văn hóa “cùng nhau uống rượu”, tức là người này rót cho người kia hoặc đổi ly. Tục lệ này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Có những nghi thức cần tuân theo khi uống rượu với người hơn tuổi: khi rót rượu, người ít tuổi hơn sẽ rót rượu cho người lớn tuổi hơn và chỉ rót 70-80% ly chứ không rót đầy. Nếu là người ít tuổi hơn, bạn nên nâng ly bằng cả hai tay và cầm ly thấp hơn người hơn tuổi khi nâng ly chúc mừng. Khi bạn là người ít tuổi hơn uống rượu, việc hơi hơi quay đầu và lấy bàn tay còn lại che miệng và ly được coi là hành động lịch sự.