Quán phá lấu trong hẻm nhỏ vẫn nổi tiếng ở Sài GònQuán phá lấu Cô Oanh nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Xóm Chiếu - "thiên đường ăn vặt" nổi tiếng ở Sài Gòn. Theo bà chủ, quán đã tồn tại được hơn 20 năm, "khi món phá lấu chưa được nhiều người bán phổ biến và thực khách ưa thích như bây giờ", bà Oanh nói. Hơn 20 năm trôi qua, quán nhỏ của gia đình bà Oanh chưa một lần dời chỗ. Tuy quán nằm sâu trong hẻm chợ nhưng lúc nào cũng đông khách. Bà Oanh cho hay, các công đoạn để chế biến món ăn được các thành viên trong nhà chia ra làm từ sớm. "Vì nhà gần chợ nên việc tìm mua các nguyên liệu không khó khăn lắm", bà chủ nói. Gần giống với món thắng cố ở miền Bắc, nguyên liệu để nấu phá lấu ở miền Nam cũng là nội tạng của bò như gan, sách, dạ dày, lá lách... Tất cả đều được sơ chế trước khi nấu nướng. Ngoài món phá lấu truyền thống, quán của bà Oanh được nhiều khách biết đến với với món phá lấu nướng và phá lấu luộc. Bà Oanh là người đứng chính ở gian bếp được kê một bộ bàn ghế nhỏ. Khi có khách gọi, bà chủ sẽ tự tay cắt từng miếng phá lấu cho vào chén. Sau đó, nhân viên sẽ bưng ra cho khách. Món ăn sẽ mất ngon nếu thiếu đi chén nước mắm pha chua ngọt. Vị cay càng tăng thêm độ ngon của món ăn. Suất ăn thông thường có giá 20.000 đồng bao gồm một chén phá lấu, một ổ bánh mì và một chén nước dùng thêm. Bạn có thể xin thêm nước phá lấu nếu có nhu cầu. Hương vị bình dân còn có mùi thơm và vị béo của nước cốt dừa. Miếng bò làm kỹ, nấu rất thấm gia vị. Một thực khách sống ở quận 4 chia sẻ: "So với ngày trước thì hương vị bây giờ không bằng, có lẽ do làm với số lượng nhiều. Dù vậy, khi so sánh với mặt bằng chung là các quán bình dân thì quán này vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của mình". Quán mở cửa đón khách từ 15h cho đến 23h, có khi nghỉ bán sớm hơn nếu hết hàng nhanh. Giờ cao điểm của quán vào khoảng 17h. Khách đi xe đến có thể đậu xe ở phía đối diện, có người trông. Ăn xong suất phá lấu, bạn nhớ gọi thêm ly nước mía uống cho đã khát. |