Tại đây, bạn có thể tìm thấy những người thợ kim hoàn và thợ bạc lâu đời nhất của Hà Nội dù dấu vết nhiều nghề thủ công giờ không còn nữa. Ngày nay nhu cầu đồ sắt truyền thống không nhiều, thay vào đó là những cửa hàng nhỏ bán các loại giấy sặc sỡ, bát tre, tranh ảnh về chiến tranh Việt Nam và tranh sơn mài.
Cũng có những cửa hàng chuyên sao chép tranh với kĩ năng thuần thục mà du khách có thể tìm thấy bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nào, từ tranh của Picasso, Warhol cho đến một loạt phiên bản khác nhau của Mona Lisa. Các cửa hàng không có nhiều không gian, cũng giống như những khu phố cổ nhỏ, hẹp đã tạo nên một nét đặc trưng không nơi nào có được cho Hà Nội.
Phố cổ, trái tim của Hà Nội, luôn nhộn nhịp, đông đúc và tràn đầy sức sống với những ngôi nhà như tranh vẽ xen kẽ những quán cà phê nhỏ bé khiến du khách cứ muốn khám phá mãi không thôi. Là một trong những khu vực lâu đời nhất Việt Nam, Hà Nội vẫn không ngừng phát triển trong suốt 1.000 năm qua.
Trong chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ, vị vua chọn Hà Nội làm thủ đô của Việt Nam, từng viết: “Vùng đất này rộng rãi và bằng phẳng, sẽ là một điểm mới và là trung tâm thương mại của cả nước”. Tuy không còn là “điểm mới” như vua Lý Thái Tổ nhận định nhưng Hà Nội đã trở thành vùng giao thương lớn nhất, với hoạt động mua bán sầm uất, đem lại sự phát triển mạnh mẽ và dân cư phong phú cho thành phố. Nhưng để tìm hiểu được sự phong phú ấy, có lẽ cần phải đi sâu khám phá.
Thật khó để diễn tả sự đổi thay diễn ra nếu không đi sâu vào phía trong các cửa hàng trên mỗi tuyến phố nhộn nhịp và bắt đầu khám phá. Mặt tiền các cửa hàng ở đây rất hẹp bởi người bán hàng phải chịu thuế theo chiều rộng của cửa hiệu. Một giải pháp tài chính “độc đáo” được đưa ra, đó là các tòa nhà thu hẹp về chiều ngang nhưng kéo dài về chiều dọc.
Cùng với đó là những ngõ hẹp dẫn vào khu dân cư nằm cách xa đường phố. Lối đi nhỏ đến nỗi vai của bạn có thể chạm vào các bức tường hai bên. Đó có thể là nhà của những hộ nghèo, gần như vô chủ, nhưng cũng có thể là những ngôi nhà giàu một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả đều đưa du khách đến với một thế giới của các ngôi nhà chật hẹp, thường chỉ có một phòng đơn và dưới nơi giặt giũ là khoảng sân chung rất nhỏ.
Nhiều gia đình ở phố cổ sống quanh các sân nhỏ, trong những căn phòng nhỏ bé, nhưng nơi này sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên bởi giá bất động sản cao ngất ngưởng. Giá đất ở đây xấp xỉ với Tokyo hay New York.
Tại sao phố cổ ở đây lại đông đúc đến vậy? Câu trả lời nằm ở sự thừa kế. Qua nhiều thế hệ, tài sản được truyền lại, mỗi lần như vậy chúng lại bị chia nhỏ ra cho nhiều người hơn. Phần thừa kế mỗi người nhận được ngày càng ít hơn nhưng không ai muốn từ bỏ phần thừa kế của mình để đi nơi khác. Bởi vậy, dân số ngày càng tăng lên và không gian ngày một chật hẹp hơn
Cơ hội để bạn khám phá thế giới đằng sau các cửa hiệu là rất nhỏ nếu bạn không “ngỏ lời”. Nhưng những tiểu thương cùng tình yêu đối với tài sản và văn hóa của họ sẽ đưa bạn đến với thế giới mà tự thân bạn không bao giờ tìm được.
(Thanglonghanoi)