Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết TW Đảng lần IX, khóa XI
(Hanoitourist) – Chuyên đề về Xây dựng đất nước Việt Nam với một nền Văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó vấn đề Văn hóa XH và con người Việt Nam là những nội dung chủ chốt và đã được nhấn mạnh trong Hội nghị diễn ra tại Tổng công ty du lịch Hà Nội, sáng ngày 07/08/2014.
Diễn giả Phạm Ngọc – Trưởng phòng Giáo dục Lý Luận Chính trị - Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội đã phát biểu tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, Ban chấp hành Đảng Khóa XI của Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Tham dự Hội nghị gồm có đ/c Trần Tiến Hùng, Bí thư Đảng ủy TCT và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, Ban Tổng giám đốc TCT, các lãnh đạo, cán bộ của các phòng ban TCT và các doanh nghiệp, đơn vị của TCT.
Hội nghị bàn về các nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; Quy chế bầu cử, tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
Qua hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc chia sẻ: về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa của chúng ta từng bước phát triển, thể chế về văn hóa từng bước được xây dựng, hoàn thiện; đời sống văn hóa ngày càng phong phú. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng. Công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng, có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều phong trào văn hóa đem lại kết quả thiết thực. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng … được phát huy. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo. Nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của nhân dân được đề cao. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm và có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, so với những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa thực sự tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa ở nhiều nơi còn nghèo nàn…
Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém nói trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn chậm đổi mới; đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng và dàn trải; chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp...
Đ/c Phạm Ngọc nhấn mạnh: chúng ta cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc Việt Nam.Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông.
Đ/c Phạm Ngọc cũng chỉ ra bốn yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Văn hóa và con người Việt Nam: Xây dựng và phát triển Văn hóa để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của Xã hội; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với những đặc cơ bản về tính dân chủ, tính thống nhất, tính nhân văn, và tính khoa học; Xây dựng và phát triển văn hóa liên quan đến con người để nâng cao nhân cách, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước,…. và Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ môi trường gia đình cho đến môi trường cộng đồng và XH.
Đồng chí Trần Tiến Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng thành viên TCT đã kết thúc buổi Hội nghị với lời cảm ơn cùng với chia sẻ: chúng ta cần có cách nhìn nhận mới để xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tốt hơn nữa, thêm vào đó không thể thiếu sự tiếp thu tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm phát triển, quản lý văn hóa của các nước trên thế giới. Và đặc biệt, chúng ta phải quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, tại cơ quan và cả ngoài xã hội./.
Hồng Trang