Hạ Long

28/11/2018 11:36
Chia sẻ:
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Bắc và Bắc kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn; phía Đông và phía Nam giáp Vịnh Bắc Bộ; phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng).

Theo các nhà khoa học, vùng Hạ Long và vùng rìa bờ, đảo phụ cận của vịnh, bao gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trên trái đất.
 
Lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long, như hiện biết, được mở ra từ khoảng gần 500 triệu năm trước đây, với những hoàn cảnh cổ địa lý hết sức khác nhau và khá phức tạp. Sự hiện diện của vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst, hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp Karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.
 
Thạch nhũ trong hang động trong khu Vịnh có tuổi trẻ hơn các hang động. Nước mưa theo các khe nứt trên trần hang động và vách chảy xuống, trên đường đi chúng hoà tan, bào mòn đá vôi và lắng đọng thành nhũ đá ở trần, măng đá ở nền…
 
Hàng ngàn hòn đảo, hàng chục hang động đẹp đã tạo nên giá trị thẩm mỹ của Vịnh. Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá ở Hạ Long muôn hình vạn trạng quyện với trời biển, tạo ra một bức tranh thủy mặc. Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp, với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung, với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ, với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước, cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long,… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú.
 
Nguyễn Trãi, khi qua Vịnh Hạ Long đã viết:
 
“Đường đến Vân Đồn lắm núi sao,
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao.
Biển cả mênh mông trăm sông đổ vào,
Núi non la liệt như quân cờ, tiếp trời xanh biếc…”.
 
Lịch sử kiến tạo của vịnh Hạ Long đã trải qua những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, nhiều lần tạo sơn, biển thoái, sụt chìm, biển tiến… Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ. Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là biển sâu vào các kỷ Odovic - Silua (khoảng 500 - 410 triệu nẳm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon - Pecmi (khoảng 340 - 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ Paleogen, đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). Vào kỷ Trias (240 - 195 triệu năm trước), khi trái đất nói chung, châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng, thì khu vực Vịnh Hạ Long là những đầm lầy ẩm ướt, với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ…
 
Địa hình Karst ngầm là hệ thống các hang động đa dạng trên vịnh, được chia làm 3 nhóm chính: nhóm 1, là di tích các hang ngầm cổ, tiêu biểu là hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long...; nhóm 2, là các hang nền Karst, tiêu biểu là các hang Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông và hang Trống…; nhóm 3, là hệ thống các “hàm ếch biển”, tiêu biểu như 3 hang thông nhau ở cụm hồ Ba Hầm, hang Luồn, Ba Hang…
 
Địa hình Karst của vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của vịnh, như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.
 
Tổng số loài thực vật sống trên các đảo ở vịnh Hạ Long khoảng trên một nghìn loài. Một số quần xã các loài thực vật khác nhau đã được tìm thấy, như các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở cửa hang hay khe đá. Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã phát hiện 7 loài thực vật đặc hữu của vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long, khổ cử đại tím, cọ Hạ Long, khổ cử đại nhung, móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng. Theo thống kê, hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long, Bái Tử Long có: 477 loài mộc lan, 12 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật cũng đã thống kê được 4 loài lưỡng cư, 10 loài bò sát, 40 loài chim và 14 loài thú.
 
Những kết quả nghiên cứu, khảo cổ học và văn hóa học cho thấy, sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập được những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau, bao gồm văn hóa Soi Nhụ (trong khoảng 18.000 - 7.000 năm trước Công nguyên), văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước Công nguyên) và văn hóa Hạ Long (cách ngày nay khoảng từ 3.500 - 5.000 năm).
 
Phương thức sống chủ yếu của chủ nhân Soi Nhụ là “bắt sò ốc, có cả hái lượm hoa quả, đào củ, rễ cây”, biết bắt cá mà chưa có nghề đánh cá.
 
Di chỉ Cái Bèo là một trong những bằng chứng đầu tiên để có thể khẳng định, tổ tiên của người Việt cổ, từ rất sớm đã đương đầu với biển khơi và đã phát triển ở đây một nền văn hóa rực rỡ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á: dòng văn hóa Cuội. Về phương thức cư trú và sinh sống của người Cái Bèo, ngoài săn bắt hái lượm, đã có thêm khai thác biển.
 
Hiện nay, vịnh Hạ Long còn là một khu vực phát triển năng động, có tiềm năng lớn về du lịch, nhờ những điều kiện và lợi thế sẵn có ở khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.
 
Từ hơn 500 năm về trước, trong bài thơ “Lộ nhập Vân Đồn”, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi vịnh Hạ Long là “Kỳ quan đá dựng giữa trời cao”. Cùng với vịnh Nha Trang của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.
 
Vịnh Hạ Long là khu vực có giá trị nổi bật toàn cầu, tiêu biểu nhất là các giá trị về thẩm mỹ, khoa học, lịch sử, khảo cổ... Năm 1962, khu vực vịnh Hạ Long được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.
 
Với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của vịnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
 
Hoàng Phúc (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)