7 nhầm tưởng của du khách về các điểm nổi tiếng thế giới
Ấn Độ là một quốc gia Phật giáo Ấn Độ là một trong những quốc gia đa dạng tôn giáo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn dân số ở đây đều theo Hindu giáo (Ấn Độ giáo) chứ không phải Phật giáo như nhiều người thường nghĩ. Hindu là một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới, xuất hiện khoảng 3.500 năm trước. Theo World Atlas, trong hơn một tỷ tín đồ Hindu giáo, có khoảng 966 triệu người sống tại Ấn Độ. Ngày nay, 80% dân số ở quốc gia này theo Hindu giáo, trong khi tín đồ Phật giáo chiếm 0,7%. Ảnh: Huffpost, Times Magazine.
Vạn Lý Trường Thành có thể nhìn thấy từ không gian Có nhiều người tin rằng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là kiến trúc xây dựng duy nhất trên trái đất có thể nhìn bằng mắt thường từ không gian. Nhưng một số phi hành gia đã phủ nhận điều này, trong đó có Chrris Hadfield, người đã dành 5 tháng (2012 – 2013) trên tàu vũ trụ quốc tế. Ông cho biết không thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành từ trên không, bởi kiến trúc này quá hẹp và có màu sắc tương đồng với khu vực xung quanh. Ảnh: Vacation Advice, NASA.
Everest là ngọn núi cao nhất thế giới Trong nhiều thế kỷ, Everest được biết đến là ngọn núi cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia lại phủ nhận điều này bởi đó là cách tính so với mực nước biển. Nếu tính từ chân đến đỉnh, núi Mauna Kea, Hawaii (Mỹ) mới cao nhất, với hơn 10.000 m. Ảnh: Carbon Brief, Discover Hawaii Tours.
Mông Cổ chỉ có thảo nguyên Mông Cổ thường được biết đến với những thảo nguyên xanh bất tận, cuộc sống du mục và đàn gia súc lớn. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có những thành phố hiện đại và sầm uất, nổi bật là thủ đô Ulaanbaatar, nơi cư trú của 45% dân số trên cả nước. Nằm trong thung lũng ở độ cao 1.310 m, Ulaabaatar có đủ trải nghiệm cho du khách, từ mua sắm, ẩm thực đến bảo tàng lịch sử, tu viện và công viên quốc gia. Ảnh: Mongolia Grassland, Expedia.
London luôn bị bao phủ bởi sương mù Khi nhắc tới London, nhiều du khách sẽ nghĩ tới thành phố chìm trong sương và những cơn mưa lất phất. Tên gọi thành phố sương mù của thủ đô nước Anh bắt nguồn từ những năm 1800 đến năm 1962, khi hiện tượng sương mù diễn ra trong 63 ngày trong năm, đặc biệt vào mùa đông. Tuy nhiên, màn sương dày đặc bao trùm những con phố, dòng sông còn do ô nhiễm từ quá trình phát triển các ngành công nghiệp khí đốt, năng lượng, hóa chất, giấy và in ấn. Hiện tượng này được gọi là “sương mù sốt đậu”. Sau Đạo luật không khí sạch năm 1956, London đã kiểm soát được lượng ô nhiễm trên toàn thành phố. Ngày nay, nơi đây vẫn có sương mù, tuy nhiên chỉ xuất hiện trong những tháng mùa đông, giống các thành phố khác trên thế giới. Ảnh: Golf club, Eco Tour.
Thủ đô của Australia là Sydney Khi được hỏi về thủ đô của Australia, nhiều du khách trả lời ngay là Sydney hoặc Melbourne. Tuy nhiên, thủ đô của xứ sở chuột túi là Canberra, một thành phố ít nổi tiếng hơn. Năm 1901, khi trở thành một quốc gia gồm 5 bang và 3 vùng lãnh thổ, Australia bắt đầu chọn thủ đô. Sydney và Melbourne đều là những ứng cử viên sáng giá. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, các chính trị gia đã quyết định chọn Canberra, thành phố không gần biển, không có khu định cư lớn và không quá nóng vào mùa hè. Ảnh: Nz Sydney, All Homes.
Nam Phi chỉ có người da đen Thực tế, người da trắng chiếm khoảng 8% dân số Nam Phi, theo thống kê năm 2017). Hầu hết họ có nguồn gốc từ Đức, Anh, Pháp và Hà Lan. Ảnh: Cape Town, Pinterest.
Lan Hương Nguồn: https://vnexpress.net |