Ngày đăng 17/10/2022

NGÀNH KHÁCH SẠN Ở ANH MẤT GẦN 200.000 LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI

Cuộc khảo sát nhấn mạnh sức ép thị trường việc làm vì lý do Brexit và đại dịch Coronavirus.

   Theo một cuộc khảo sát trong ngành, các doanh nghiệp khách sạn của Vương quốc Anh đã mất gần 200.000 lao động quốc tế kể từ cuối năm 2019, do tác động của Brexit và đại dịch Coronavirus, gây ảnh hưởng khá lớn tới thị trường việc làm.

   Theo dữ liệu của nhà tuyển dụng Caterer.com, nguồn lao động từ EU đã giảm với tốc độ nhanh nhất. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 172.000 công dân EU làm việc trong lĩnh vực khách sạn, giảm khoảng 41% so với tổng số gần 293.000 trước đại dịch.

   Số lượng lao động quốc tế từ khắp các châu lục đã giảm trong vòng hai năm qua, với khoảng 76.000 người lao động từ các quốc gia ngoài EU rời bỏ khu vực làm việc. Tổng cộng, khoảng 197.000 người lao động nhập cư đã rời khỏi lĩnh vực này kể từ năm 2019, theo nghiên cứu dựa trên cuộc khảo sát 250 nhà quản lý tuyển dụng khách sạn cấp cao được thực hiện vào tháng 7.

   Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, lĩnh vực khách sạn chiếm khoảng 7% lực lượng lao động tại Vương quốc Anh. Trước đây, nhân viên nước ngoài chiếm hơn 40% lực lượng lao động trong ngành dịch vụ khách sạn.

   Theo thông tin từ ONS, không có ngành hàng nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn ngành dịch vụ khách sạn bởi thị trường lao động thắt chặt do hậu quả của Brexit và đại dịch, trong đó ngành này đang phải đối mặt với tỷ lệ bị bỏ trống nhân lực lên tới 7,9%, cao nhất so với bất kỳ ngành hàng nào.

   Giám đốc trang caterer.com - Kathy Dyball cho biết lĩnh vực này đang ở giữa “một cuộc khủng hoảng lao động kéo dài và nghiêm trọng”. Bà nói thêm rằng, việc cho phép các đầu bếp ít kinh nghiệm hơn có cơ hội việc làm, hay cho phép các công ty Anh tài trợ cho họ xin thị thực làm việc, là "một khởi đầu tốt" nhưng nói thêm rằng, các nhà tuyển dụng vẫn đang gặp phải rào cản lớn trong việc tuyển dụng các lao động nước ngoài.

   Giám đốc điều hành Kate Nicholls của UKHospitality cho biết: “Các vị trí tuyển dụng bị bỏ trống đang khiến một số doanh nghiệp phải cắt giảm giờ giao dịch hoặc đóng cửa cả ngày. Cơ quan công nghiệp ước tính rằng các vị trí tuyển dụng đang khiến các doanh nghiệp tiêu tốn 21 tỷ bảng Anh vì nhu cầu không được đáp ứng và doanh thu bị thất thoát, dẫn đến việc Bộ Tài chính bị thất thu khoảng 5 tỷ bảng Anh. Nicholls nói thêm: “Điều quan trọng đối với nền kinh tế Vương quốc Anh hiện tại là giải quyết thành công cuộc khủng hoảng này.”

   Một chủ nhà hàng ở West End, người đang điều hành khoảng chục địa điểm trên khắp London, cho biết ngân sách tiền lương của anh ta đã tăng gần 20% trong năm với mục đích thu hút nhân viên. Anh nói: “Sự phát triển về ngành dịch vụ khách sạn trong 30 năm qua hầu như được thúc đẩy hoàn toàn bởi lực lượng lao động không phải là người Anh.

   "Ảnh hưởng của Brexit, kết hợp với đại dịch, đã gây nên sự thâm hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động - và trong trường hợp không thể tuyển được nhân viên, lựa chọn duy nhất là tăng lương hoặc cho một số doanh nghiệp đóng cửa".

   Khoảng 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải cắt giảm các hoạt động vì lý do thiếu nhân sự. Trong cuộc khảo sát, 89% cho biết các quy tắc nhập cư khắt khe đã ngăn cản họ tuyển dụng lao động từ nước ngoài.

   Emma McClarkin, giám đốc điều hành của Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh cho biết, một phương án khắc phục khác cho vấn đề này là đồng ý cho các nhà tuyển dụng có được sự linh hoạt hơn trong việc đóng thuế, để dễ dàng tài trợ cho các sinh viên học nghề hoặc thực tập.

   Bà nói thêm: “Chúng tôi đã khuyến khích chính phủ ban hành nhiều thị thực hơn, cho phép lao động có tay nghề cao từ nước ngoài được làm việc, nhưng chính phủ đồng thời ưu tiên việc tuyển dụng trong nước hơn” bà nói thêm.

   Người phát ngôn của chính phủ Vương quốc Anh cho biết: “Chúng tôi muốn thấy các nhà tuyển dụng đầu tư lâu dài vào lực lượng lao động trong nước của Vương quốc Anh, thay vì dựa vào nguồn lao động giá rẻ từ nước ngoài ”.

   Họ nói thêm rằng các doanh nghiệp cũng có thể thuê lao động nhập cư, tuy nhiên họ phải đáp ứng được sức lao động phù hợp với “mức lương tối thiểu và khả năng giao tiếp tiếng Anh bắt buộc cũng như được bảo trợ bởi các doanh nghiệp một cách rõ ràng”.

Theo Financial Time - Oliver Barnes
https://www.ft.com/content/027ea2e9-d6c3-4a18-a735-87f92ace95a4